Kính thiên văn là một phát minh lớn đã thay đổi gần như toàn bộ tầm nhìn của con người về không gian vũ trụ. Vậy rốt cuộc ai là người phát minh ra kính thiên văn? Cùng META trở về thế kỉ 17 để tìm hiểu chi tiết lịch sử ra đời và phát triển của kính thiên văn nhé!
Kính thiên văn là dụng cụ đem những vật thể ở xa đến gần tầm mắt con người hơn, giúp con người có thể quan sát chúng rõ hơn.
Các nhà thiên văn học còn đặt cho thiết bị này một cái tên rất đặc biệt là ống ánh sáng, bởi nếu bạn hướng nó về bầu trời trong đêm, những ánh sáng từ nơi xa sẽ được thu hết vào bên trong và giúp bạn nhìn thấy những thứ ở cách xa hàng trăm ngàn km, ví dụ như các hành tinh, các ngân hà...
Sự ra đời của nó đã làm thay đổi mãi mãi quan điểm của con người về Trái Đất cũng như vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Vậy ai là người phát minh ra kính thiên văn?
Cho đến nay, câu trả lời cho câu hỏi ai là người phát minh ra kính thiên văn vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các nhà sử học và thiên văn học. Là Hans Lippershey, cha con Hans và Zacharias Janssen hay Jacob Metius (đều là người Hà Lan)? Rất khó để đưa ra đáp án chính xác bởi các cứ liệu lịch sử còn rất nhiều thiếu sót.
Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, phải đến khi chiếc kính viễn vọng của Galileo Galilei ra đời thì thiết bị này mới được nhiều người biết đến hơn. Vậy kính thiên văn ra đời khi nào? Lịch sử phát triển của nó ra sao?
Xem thêm: Kính thiên văn là gì? Dùng để làm gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động
Trong bức thư của nhà ngoại giao người Hà Lan William Boreel gửi cho bác sĩ của nhà vua Pháp năm 1650 đã nói rõ rằng Zacharias Janssen đã mô tả về chiếc kính thiên văn, kính hiển vi do ông và cha mình là Hans Janssen sáng chế vào năm 1590.
Nhưng theo một số tài liệu khác ghi lại rằng, sự ra đời của kính thiên văn là một phát hiện tình cơ may mắn. Vào năm 1608, Hans Lippershey thấy cậu con trai của mình nghịch kính mắt do ông làm ra, rồi phát hiện có thể nhìn tháp chuông nhà thờ gần hơn, thậm chí khi chồng 2 kính mắt lên nhau còn có thể nhìn được cả mấy con chim nấp dưới gác chuông.
Sau một thời gian nghiên cứu Lippershey đã đưa ra nguyên lý phóng đại khi kết hợp các thấu kính, rồi chế tạo ra ống kính nhìn xa có tên gọi là “chiếc ống ma thuật của Lippershey” - tiền thân của kính thiên văn quang học. Ông cũng là người đầu tiên nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho thiết bị này.
Cùng vào năm 1608, Jacob Metius đã đưa ra yêu sách cho việc phát minh ra kính viễn vọng. Nhưng cả ông ta và Lippershey đều không nhận được bằng sáng chế với lý do dụng cụ quá dễ bắt chước. Cuối cùng Metius được một giải thưởng nhỏ còn Lippershey thì được trả thù lao hậu hĩnh cho những bản sao kính viễn vọng của ông.
Ngay sau đó, vào năm 1609, khi nghe nói tới “kính nhìn xa của người Hà Lan”, nhà bác học vĩ đại người Ý Galileo Galilei đã cho ra bản thiết kế kính viễn vọng của riêng mình và giới thiệu nó trước hội đồng thành phố Venice.
Kính viễn vọng của Galileo có động phóng đại gấp 8 đến 20 lần, được ông sử dụng để nghiên cứu vũ trụ, lần lượt đưa ra các lý thuyết như mặt trăng không bằng phẳng mà có những ngọn núi, miệng hố; mặt trời có các vết đen hay mộc tinh có 4 vệ tinh riêng…
Ông cũng đưa ra những bằng chứng nhằm chứng minh thuyết Nhật tâm của Nicolai Copernics rằng trái đất không phải “cái rốn” của vũ trụ mà chỉ là một trong số những hành tinh quay quanh mặt trời.
Xem thêm: Kính viễn vọng là gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động
Sau khi kính viễn vọng của Galileo được nhiều người biết đến, hàng loạt các bước cải tiến mới đã thúc đẩy thiết bị này phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.
Johannes Kepler - một nhà toán học do mắt kém nên đã gặp rất nhiều khó khăn khi dùng kính của Galileo bởi trường nhìn hẹp. Vì vậy, chính bản thân ông đã thiết kế ra một chiếc kính thiên văn tích hợp 2 thấu kính hội tụ, cho ra hình ảnh bị lộn ngược nhưng khi dùng để quan sát thiên văn thì không thành vấn đề. Cũng từ đây, cuộc đua chế tạo kính thiên văn khám phá hệ mặt trời chính thức bắt đầu.
Năm 1655, để gọn nhẹ hơn, nhà vật lý người người Hà Lan Christiaan Huygens đã bỏ thân ống kính, lắp vật kính lên một trụ cao đồng thời sử dụng dây cáp để chỉnh hưởng - thiết bị này được gọi là kính thiên văn không khí (Air Telescope).
Thay vì sử dụng thấu kính đơn như của Kepler, Huygens dùng thị kính ghép từ 2 thấu kính hội tụ để loại trừ sắc sai và tạo ra trường nhìn rộng hơn, tăng độ phóng đại của kính thiên văn. Cách làm này vẫn còn được áp dụng trong một số kính hiển vi và kính thiên văn kiểu cũ vì dễ chế tạo và giá thành rẻ nhưng chất lượng khá tốt.
Vào năm 1665, Giuseppe Campani đã chế tạo ra một chiếc kính thiên văn dài 100 và 136ft (khoảng 30.5 và 41.5m), giúp cho Giovanni Cassini đưa ra những lý thuyết nổi tiếng về 2 vành con cũng như vệ tinh Rhea của sao Thổ.
Năm 1668, từ những tác phẩm của Kepler, Isaac Newton sau nhiều lần thí nghiệm đã chế tạo thành công chiếc kính thiên văn phản xạ nổi tiếng thống lĩnh ngành thiên văn học hàng thế kỷ sau đó.
Sau đó, vào năm 1673, nhà thiên văn người Đức Johannes Hevelius lần lượt cho ra đời 2 kính đài thiên văn với kích thước 60 và 150ft, đường kính vật kính khoảng 20cm. Thân ống kính 150ft được thiết kế với dạng khung hở để giảm trọng lượng và rung động nhưng lại dễ bị nhiễu loạn hình ảnh khi có gió. Các thiết bị này không đem lại quá nhiều hiệu quả vì rất khó sử dụng, ống kính quá dài nên dễ bị võng xuống.
Năm 1722, John Hadley đã chế tạo một chiếc kính thiên văn cùng kiểu với Newton nhưng lớn hơn và trưng bày ở Hội Hoàng gia Anh quốc. Thiết bị này có đường kính 15cm, tiêu cự 159cm và ghép cố định với 1 thị kính duy nhất cho số bội giác lên tới 230.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sản phẩm của ông và Newton là nhờ phương pháp kiểm tra dạng bề mặt gương và công nghệ mài tạo dạng bề mặt chính xác cho gương cầu, đánh dấu một bước tiến to lớn cho lịch sử phát triển của kính thiên văn phản xạ.
Năm 1778, sau gần 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Frederick William Herschel đã chế tạo thành công chiếc kính phản xạ của riêng mình, có cấu tạo gồm gương đồng bạch đường kính 16cm, tiêu cự 210cm (xấp xỉ kính của Hadley 50 năm về trước). Thiết bị có chất lượng tốt nên nhờ nó, ngày 13/3/1781 ông phát hiện ra hành sao Thiên Vương - hành tinh thứ 6 trong hệ mặt trời.
Năm 1845, chiếc kính thiên văn phản xạ lớn nhất bằng gương đồng bạch được ra đời với công lao to lớn của nhà thiên văn học người Ailen William Parsons. Gương có đường kính 1,8m, tiêu cự 17m, phôi gương dày gần 15cm và nặng hơn 4 tấn, được đặt tại Parsons Town, Ailen.
Năm 1897, chiếc kính thiên văn khúc xạ lớn nhất được chế tạo và đưa vào hoạt động tại Đài thiên văn Yerkes, vịnh Williams, bang Wisconsin, Mỹ.
Năm 1917, chiếc kính thiên văn phản xạ 100 inch Hooker được khánh thành tại Đài thiên văn núi Wilson, Pasadena, bang California của Mỹ.
Xem thêm: So sánh kính lúp, kính hiển vi và kính thiên văn chi tiết nhất
Năm 1931, kỹ sư người Mỹ tên là Karl Jansky đã phát hiện được sóng vô tuyến đến từ các thiên thể trong vũ trụ, kính viễn vọng quang học chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng, không thấy được sóng vô tuyến, từ đó đòi hỏi việc gấp rút hình thành những chiếc kính viễn vọng vô tuyến.
Kính viễn vọng vô tuyến có cấu tạo gồm 1 anten có tính định hướng và một đài thu có độ nhạy cao, với chức năng tập trung thu sóng vô tuyến do các thiên thể phát ra, bị ảnh hưởng tương đối ít bởi tầng khí quyển nên có thể thực hiện quan trắc cả ngày lẫn đêm.
Tháng 4/1990, kính thiên văn vũ trụ Hubble được phóng lên quỹ đạo, sử dụng các camera kỹ thuật số và truyền thông qua vệ tinh để quan sát vũ trụ từ bên ngoài tầm ảnh hưởng của khí quyển cũng như ô nhiễm ánh sáng, đánh dấu mốc quan trọng cho việc con người có thể quan sát vũ trụ từ trên quỹ đạo.
Từ đó đến nay, kính thiên văn vẫn không ngừng được cải tạo phức tạp và hiện đại hơn cùng với hy vọng tìm thấy sự sống ngoài trái đất của con người.
Xem thêm: Top 10 những kính thiên văn lớn nhất thế giới
Hy vọng những thông tin trên đây của META sẽ giúp bạn biết được ai là người phát minh ra kính thiên văn và hiểu thêm về quá trình ra đời cũng như sự phát triển của kính thiên văn. Đừng quên thường xuyên truy cập META.vn để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau!
Để mua các sản phẩm kính thiên văn chính hãng, chất lượng, giá tốt, bạn hãy truy cập ngay META.vn để đặt hàng trực tuyến hoặc liên hệ hotline dưới đây để được hỗ trợ nhanh nhất. META cam kết Hàng chính hãng, Uy tín lâu năm, Dịch vụ Giao hàng & Bảo hành trên toàn quốc.