Cách vệ sinh máy tạo oxy đúng cách

👨 Đinh Khương Đức
04/05/2023 507

Cũng như nhiều loại thiết bị y tế khác, trong quá trình sử dụng chúng ta luôn cần vệ sinh máy tạo oxy thường xuyên để đảm bảo máy luôn sạch sẽ, an toàn cho người dùng. Vậy cách vệ sinh máy tạo oxy như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tại sao cần vệ sinh máy tạo oxy?

Máy tạo oxy là một thiết bị y tế đã khá phổ biến hiện nay. Nó được sử dụng không chỉ tại các phòng khám, bệnh viện mà còn được sử dụng khá nhiều tại gia đình.

Tại sao cần vệ sinh máy tạo oxy?

Và cũng như nhiều thiết bị y tế khác, bên cạnh việc sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ thì người dùng cũng cần chú ý đến việc vệ sinh máy tạo oxy định kỳ. Bởi vì máy tạo oxy đi thẳng vào hệ hô hấp của người dùng, vì vậy nó cần phải đảm bảo sạch sẽ, không bám bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc... Việc không vệ sinh máy tạo oxy cẩn thận có thể là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh không cải thiện, thậm chí còn có thể gây ra thêm nhiều bệnh hô hấp, nhiễm trùng...

Xem thêm: Cấu tạo và nguyên lý của máy tạo oxy

Bao lâu cần vệ sinh máy tạo oxy một lần?

Bao lâu cần vệ sinh máy tạo oxy một lần?

Hầu hết các loại máy tạo oxy đều cần phải vệ sinh định kỳ mỗi tuần một lần tùy vào từng bộ phận. Thông thường người dùng chỉ cần quét sạch bụi bẩn, tuy nhiên, nếu nó quá bẩn thì chúng ta cần phải rửa bằng nước xà phòng ấm và để khô hoàn toàn trước khi lắp lại. Ngoài ra chúng cũng cần bảo trì thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người dùng khi sử dụng.

Xem thêm: Cách sử dụng máy thở oxy và những lưu ý quan trọng khác

Cách vệ sinh máy tạo oxy

Vệ sinh bên ngoài máy

Cách làm sạch vỏ ngoài máy tạo oxy

Việc vệ sinh bên ngoài của máy tạo oxy bao gồm việc lau rửa bề mặt bên ngoài của máy, làm sạch bụi bẩn tại các khe hở, lỗ thông hơi... Cụ thể, cách vệ sinh bên ngoài máy tạo oxy gồm các bước sau:

  • Bước 1: Rút phích cắm của máy.
  • Bước 2: Lau sạch vần vỏ ngoài của máy tạo oxy bằng khăn mềm thấm xà phòng pha loãng với nước ấm.
  • Bước 3: Lau sạch lại một lần nữa bằng khăn mềm thấm nước ấm.
  • Bước 4: Kiểm tra các lỗ thông hơi và dùng tăm bông để làm sạch các lỗ thông hơi.
  • Bước 5: Để máy tạo oxy khô tự nhiên.

Khử trùng bình tạo độ ẩm

Bình tạo độ ẩm

Bình tạo độ ẩm là nơi có độ ẩm cao nên nó cũng là môi trường lý tưởng cho các loại nấm mốc, vi trùng, vi khuẩn phát triển. Vì vậy, việc vệ sinh bình tạo độ ẩm thường xuyên là rất quan trọng. Hầu hết các nhà sản xuất máy tạo độ ẩm đều khuyến nghị người dùng nên vệ sinh bình tạo độ ẩm hàng tuần, thậm chí là khử trùng nó ba ngày một lần. Để khử trùng bình tạo độ ẩm, bạn nên làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Loại bỏ toàn bộ nước còn lại trong bình.
  • Bước 2: Rửa sạch tất cả các bộ phận kết nối với bình tạo độ ẩm.
  • Bước 3: Sử dụng khăn mềm hoặc bông mút cọ rửa chuyên dụng để vệ sinh bình và các bộ phận đi kèm bằng giấm pha loãng.
  • Bước 4: Khử trùng bình bằng dung dịch hydro peroxide chuyên dụng sau đó để bình khô tự nhiên trước khi lắp vào máy.

Nhìn chung, bạn nên dành khoảng 20 đến 30 phút mỗi tuần để làm sạch bình tạo độ ẩm của máy. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý:

  • Một số nhà sản xuất sẽ yêu cầu bạn phải rửa bình tạo độ ẩm hàng ngày bằng dung dịch gồm 10 phần nước và một phần giấm như một chất khử trùng.
  • Nên tránh chạm vào bên trong bình hoặc nắp sau khi đã được làm sạch và khử trùng để tránh nhiễm bẩn.
  • Luôn chắc chắn bình đã khô hoàn toàn trước khi lắp vào máy. Nước dư thừa trong bình có thể đi thẳng vào hệ hô hấp và gây hại cho bệnh nhân.

Vệ sinh ống thông mũi

Ống thông mũi

Cách vệ sinh ống thông mũi của máy tạo oxy gồm các bước sau:

  • Bước 1: Ngâm ống thông mũi vào bồn nước xà phòng ấm.
  • Bước 2: Rửa lại ống thông thật sạch bằng dung dịch nước và giấm trắng (tỷ lệ 10:1).
  • Bước 3: Phơi hoặc sấy ống thông mũi khô hoàn toàn trước khi sử dụng.

Tuy nhiên, nếu ống thông trông có vẻ bẩn, bạn hãy thay ống thông mới ngay lập tức. Tốt nhất bạn nên thay thế bộ phận này khoảng 2 tháng một lần nếu sử dụng thường xuyên.

Làm sạch bộ lọc

Bộ lọc máy tạo oxy

Bộ lọc tạo oxy là một bộ phận rất quan trọng trong cấu tạo của máy tạo oxy, vì vậy, khi vệ sinh bộ phận này, bạn cần cực kỳ cẩn thận:

  • Bước 1: Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tháo bộ lọc ra khỏi thân máy.
  • Bước 2: Nhúng bộ lọc tạo oxy vào bồn nước ấm pha với xà phòng có khả năng tẩy rửa nhẹ.
  • Bước 3: Sử dụng một miếng vải mềm, ẩm để làm sạch hoàn toàn bất kỳ vết bẩn hoặc bụi dư thừa nào còn sót lại trên bộ lọc.
  • Bước 4: Rửa sạch bộ lọc bằng nước sạch một lần nữa để loại bỏ xà phòng dư thừa.
  • Bước 5: Để bộ lọc khô hoàn toàn trong không khí hoặc sử dụng máy sấy chuyên dụng để sấy khô hoàn toàn trước khi lắp lại vào máy.

Nếu máy tạo oxy được sử dụng thường xuyên, bộ lọc phải được làm sạch ít nhất một lần mỗi tháng hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào mức độ bụi bẩn của môi trường sử dụng. Tốt nhất người dùng nên tháo bộ lọc ra và kiểm tra trực quan bộ lọc/lưới bọt để xác nhận xem có cần phải làm sạch nó hay không.

Vệ sinh ống oxy và phụ kiện

Phụ kiện máy tạo oxy

Giống như bình giữ ẩm, ống thở oxy và các phụ kiện khác như bẫy nước, ống nối dài... cung có thể trở thành nơi ẩn náu của vi khuẩn, vi trùng gây hại cho cơ thể. Vì vậy, trong quá trình vệ sinh máy tạo oxy, chúng ta cũng không thể bỏ qua những bộ phận này.

Để vệ sinh ống oxy, bẫy nước, ống nối dài... bạn hãy tháo chúng ra và rửa trong dung dịch giấm pha loãng với nước mỗi tuần một lần. Bạn cũng có thể sử dụng nước xà phòng ấm để rửa các chi tiết này. Sau đó bạn chỉ cần để khô tự nhiên hoặc sấy khô bằng máy chuyên dụng trước khi lắp lại.

Trong khi làm sạch ống oxy và các phụ kiện khác, bạn cũng nên dành thời gian để kiểm tra xem chúng có xuất hiện các vết nứt hoặc hư hỏng hay khong. Các lỗ hở trong ống oxy hay các vết nứt trên bẫy nước có thể khiến máy tạo oxy vận hành kém hiệu quả hơn. Với ống oxy, bẫy nước tốt nhất bạn nên thay thế ống mỗi năm ít nhất từ 1 - 2 lần hoặc nhiều hơn tùy theo tần suất sử dụng.

Xem thêm: Máy tạo oxy nào có chức năng cảnh báo độ tập trung oxy thấp?

Những lưu ý khi vệ sinh máy tạo oxy

Những lưu ý khi vệ sinh máy tạo oxy

Nhìn trung, vệ sinh máy tạo oxy không phải là một công việc quá khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình này diễn ra thuận lợi và hiệu quả, bạn nên lưu ý:

  • Luôn ngắt điện và rút phích cắm của máy tạo oxy ra trước khi tiến hành vệ sinh.
  • Luôn thực hiện vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi vệ sinh thiết bị để tránh nhiễm khuẩn chéo.
  • Sử dụng khăn mềm lau cồn để lau bên ngoài máy tạo oxy để loại bỏ vi khuẩn một cách tốt nhất.
  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn thay thế do nhà sản xuất cung cấp để biết thời điểm thay bộ lọc, ống thông và ống dẫn oxy.

Xem thêm: Nên mua máy tạo oxy hãng nào tốt nhất?

Cách bảo quản máy tạo oxy khi không sử dụng

Lưu ý bảo quản máy tạo oxy

Bên cạnh việc vệ sinh máy thì việc bảo quản máy tạo oxy khi không sử dụng thế nào cho đúng cũng là điều mà chúng ta nên lưu ý. Bởi nếu máy tạo oxy không được bảo quản đúng cách sẽ nhanh giảm tuổi thọ và quan trọng hơn là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.

  • Nên đặt máy tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt, tối tăm, nhiều bụi bẩn như nhà kho.
  • Luôn đặt máy cách tường, mặt đất và các đồ nội thất khoảng 20 - 30cm.
  • Không đặt máy gần các nguồn nhiệt, nguồn lửa, nguồn có nguy cơ phát nổ. Không hút thuốc gần khu vực bảo quản máy.

Trên đây là chi tiết về cách vệ sinh máy tạo oxy mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn, hy vọng với những thông tin này, bạn đã biết cách tự làm sạch thiết bị này tại nhà như thế nào nhanh chóng và chính xác nhất.

Để tham khảo thêm nhiều thông tin tư vấn hữu ích khác, hãy thường xuyên truy cập META.vn nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!

Chia sẻ bài viết
Sắp xếp theo
Xóa Gửi bình luận