Có bao nhiêu loại bóng tennis, tại sao chúng lại có màu vàng xanh và lại được đánh số, loại bóng nào thì thích hợp với mặt sân nào... Tất cả những bí mật về bóng tennis sẽ được giải đáp dưới đây.
Một quả bóng tennis thông thường bao giờ cũng gồm hai phần, phần ruột và vỏ. Phần ruột được làm từ cao su rỗng (lõi) và phần vỏ phủ ra bên ngoài là chất liệu len (nỉ). Hiện nay, bóng tennis có hai màu chính được phép sử dụng ở các giải đấu là trắng và vàng xanh. Bóng tennis có đường kính từ 2,5 inch (6,25 cm) đến 2,63 inch (6,57 cm) và có trọng lượng trong khoảng từ 56 gam đến 59,4 gam. Theo những quy định trong luật tennis, khi được thả từ độ cao 100 inch (254 cm) xuống nền xi măng, bóng phải có độ nảy từ 53 đến 58 inch (135 đến 147 cm).
Độ nảy của bóng sẽ giảm đi đáng kể, và không đáp ứng được tiêu chuẩn nếu chơi khoảng ba giờ liên tục. Khi không sử dụng, tốt nhất nên cất bóng trong những hộp thiếc, nhằm không làm giảm áp lực.
Màu vàng xanh của quả bóng tennis hiện nay được coi là màu lý tưởng nhất để quan sát. Một số người cho rằng màu cam mới thu hút được sự chú ý (dễ dàng nhận ra), nhưng trên thực tế, nếu lên truyền hình, những quả bóng màu cam sẽ không thể nhìn rõ như bóng màu vàng xanh. Chính vì vậy, nó không được sử dụng ở các giải đấu chuyên nghiệp.
Một quả bóng được coi là vẫn còn tốt nếu đạt tiêu chuẩn về độ nảy kể trên. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách thả bóng rơi ở tầm cao ngang trán, và nếu nó vẫn nảy đến ít nhất là thắt lưng của bạn, tức là bóng vẫn còn tốt và sử dụng được, nhưng với điều kiện, lớp nỉ ở ngoài vẫn còn tốt. Những tay vợt có kinh nghiệm có thể biết được điều này nhờ quan sát và cầm nắm.
Các loại bóng không có độ nén (sử dụng ở những nơi có áp suất thấp) thường có độ nảy không xác định, có thể vượt quá hoặc thấp hơn giới hạn cho phép. Trên thực tế, nhiều tay vợt không thích sử dụng loại bóng này. Hiện nay, loại bóng có độ nén được coi là bền nhất là Wilson Double Core.
Bóng tập được chia làm ba loại chính
- Loại bóng có độ nén (thường rất rẻ), được đựng trong túi nilong thường. Đây là loại ít sử dụng, ngoại trừ để chơi vui vì độ nảy kém. Nếu sử dụng, bóng sẽ hỏng ngay chỉ sau vài giờ.
- Loại bóng không có độ nén (cũng rẻ) là loại thường được sử dụng khi tập. Độ nảy của những loại này nằm ở chỉ số dưới, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được. Lớp vỏ ngoài đôi khi sẽ hỏng rất nhanh, nhưng chúng có thể là sự lựa chọn thích hợp nếu bạn tập với máy.
- Và cuối cùng là các loại bóng tập có độ nén, thường được đựng trong những hộp cũng có khí nén. Đây là loại bóng tập lý tưởng, dành cho các VĐV chuyên nghiệp, và chúng có chất lượng gần như bóng thi đấu. Tuy nhiên, chất lượng bóng loại này không đồng đều.
Hầu hết những loại bóng tennis thông dụng hiện nay nếu mới đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn. Việc lựa chọn các nhãn hiệu khác nhau chủ yếu phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng. Nhưng theo nhiều tay vợt thì một số loại bóng tập và không đạt kích cỡ chuẩn là không thể sử dụng, thậm chí kể cả loại mới tinh.
Phần lớp bọc ngoài lõi cao su, thường được gọi là vỏ, thường được làm từ loại len đặc biệt (quen gọi là nỉ) có pha nhiều tạp chất để tạo độ bền và tránh bạc màu.
Vì mặt sân cứng khiến lớp vỏ bên ngoài quả bóng nhanh mòn nên "extra duty" được sử dụng cho sân cứng. Trong khi đó, "regular" được coi là lý tưởng cho sân đất nện vì mặt sân này mềm hơn. "Regular" sẽ rất dễ hỏng nếu chơi trên những sân cứng.
Chữ đỏ thường được dùng trên sân đất nện còn chữ đen dùng cho mặt sân cứng.
Những con số được dập trên quả bóng chỉ với mục đích giúp người chơi ở những sân liền nhau có thể nhận biết được bóng của mình (trong trường hợp cùng nhãn hiệu).
Trên lý thuyết, có tất cả 24 loại bóng tennis, nhưng người ta chỉ phân biệt các loại bóng dựa trên 4 tốc độ, 3 loại vỏ và 2 yếu tố chính tạo độ nảy. Một số loại có sự kết hợp của tất cả những yếu tố này, cho nên chỉ có 16 loại. Và trên thực tế, ở các cửa hàng dụng cụ thể thao, thông thường chỉ có 4 loại chính:
- Bóng không có độ nén, tốc độ trung bình, extra duty
- Bóng có độ nén, tốc độ trung bình, regular
- Bóng có độ nén, tốc độ trung bình, extra duty
- Bóng có độ nén, tốc độ chậm, extra duty
Bóng không có độ nén thường cứng hơn loại bóng có độ nén, ngoại trừ một nhãn hiệu là Tretorn. Dù vậy, không như những loại bóng có độ nén, bóng không nén sẽ bền hơn, độ nảy duy trì tốt hơn. Khi mất lớp nỉ bên ngoài, những quả bóng không có độ nén bay nhanh hơn, nảy và xoáy hơn. Nhưng khi đó, bóng không phù hợp cho một trận đấu tennis.