Nguyên nhân máy nén khí bị nóng và cách khắc phục

👨 Đồng Bảo Huynh
26/01/2024 57

Trong quá trình sử dụng máy nén khí, đôi khi vô tình chạm vào vỏ máy, bạn có thể cảm thấy vỏ máy tỏa ra nhiệt độ cao hơn so với bình thường. Vậy đây có phải dấu hiện máy nén khí bị nóng hay không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!

1. Nhiệt độ máy nén khi bao nhiêu là bị nóng, bị quá nhiệt?

Máy nén khí khi hoạt động có thể hơi nóng lên là một hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên, nếu máy bị quá nóng, nhiệt độ tăng quá cao thì lại không còn là bình thường nữa, thậm chí nó còn là biểu hiện của việc máy nén khi đang gặp vấn đề và có thể gây nguy hiểm cho người dùng.

Máy nén khí nhiệt độ cao bao nhiêu là bị nóng?

Để biết máy nén khí có bị quá nhiệt hay không thì chúng ta cần đo nhiệt độ ở cổng xả và đường xả là chính xác nhất. Phạm vi nhiệt độ hoạt động bình thường trong đường xả là từ 85 - 88oC (tương đương 185 - 190oF). Nếu nhiệt độ vượt quá phạm vi này thì có nghĩa là máy đang bị quá nóng. Một số máy nén khí được trang bị cảm biến có thể tự ngắt máy ở khoảng 105 - 110oC (tương đương 220 - 230oF).

Với máy nén khí piston, mức quá nóng thường sẽ cao hơn so với máy nén khí trục vít nhưng nhiệt độ tại cổng xả cũng không được vượt quá 149oC (tương đương 300oF).

2. Những dấu hiệu máy nén khí bị quá nhiệt

Tiếng ồn, rung lắc bất thường

Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy khi máy nén khí bị quá nhiệt đó là nó sẽ phát ra tiếng ồn (tiếng cót két và răng rắc) khác thường, có thể còn kèm theo rung lắc. Hãy luôn chú ý theo dõi tiếng ồn phát ra từ thiết bị của bạn bởi nếu máy bị trục trặc, vận hành không đúng thì dấu hiệu dễ thấy nhất luôn là từ sự thay đổi của âm thanh và biên độ rung lắc mà máy phát ra.

Thời gian nghỉ dài hơn giữa các chu kỳ

Dấu hiệu máy nén khí bị nóng là gì?

Thông thường, sau mỗi chu kỳ nén, máy nén khí sẽ có một khoảng nghỉ, quãng nghỉ này dài - ngắn phụ thuộc vào thiết kế kỹ thuật của từng loại máy. Tuy nhiên, nếu thấy quãng nghỉ giữa chu kỳ của máy nén khí mà bạn đang dùng dài hơn so với bình thường thì đó cũng có thể là biểu hiện của việc máy bị nóng và cần quãng nghỉ dài hơn để làm mát đến nhiệt độ an toàn.

Tắt máy thường xuyên

Nhiều máy nén khí có cài đặt giới hạn nhiệt độ để tự ngắt máy, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi máy nén liên tục tắt do giới hạn nhiệt độ, đó là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng quá nhiệt.

Có mùi dầu cháy

Một số máy nén khí, đặc biệt là các loại dùng dầu bôi trơn, khi máy bị quá nhiệt sẽ khiến dầu trong động cơ bị nóng lên, thậm chí có thể dẫn đến cháy và tạo ra mùi hôi khét đặc trưng.

Máy không chạy hoặc tốc độ nén chậm hơn bình thường

Biểu hiện máy nén khí bị quá nóng

Máy nén không khởi động được như bình thường hoặc tốc độ nén chậm hơn bình thường cũng là biểu hiện máy gặp vấn đề về nhiệt, đặc biệt nếu bạn vừa mới bảo dưỡng máy không lâu.

3. Tác hại khi máy nén khí bị quá nhiệt

Máy nén khí khi bị quá nhiệt thường tự động dừng hoạt động (tùy từng loại máy mà mốc nhiệt tự ngắt có thể khác nhau) dẫn đến gián đoạn công việc của người dùng. Bên cạnh đó, máy nén thường xuyên bị quá nhiệt cũng ảnh hưởng lớn đến độ bền của các linh kiện bên trong dẫn đến làm giảm tuổi thọ của máy và có thể gây mất an toàn cho người dùng khi sử dụng.

4. Nguyên nhân máy nén khí bị nóng

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tăng nhiệt máy nén khí, cụ thể như:

  • Do nhiệt độ không khí cao: Nếu sử dụng máy nén khí ở nơi có nhiệt độ không khí xung quanh cao thì máy nén cũng dễ bị nóng lên do các linh kiện, phụ tùng... chủ yếu được làm từ kim loại, có khả năng hấp thụ nhiệt từ môi trường.
  • Do vấn đề về áp suất: Áp suất hút thấp hoặc áp suất xả quá mức cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng máy nén khí bị nóng.
  • Do vấn đề thông gió: Một nguyên nhân khác khiến máy nén khí bị nóng lên là do vấn đề về thông gió. Các lỗ thông hơi bị tắc, bị chặn, không gian quá chật chội, thông khí không tốt, vị trí đặt lỗ thông hơi của máy hướng thẳng vào tường... đều có thể khiến máy bị nóng lên.
  • Do linh kiện bị hao mòn, hư hỏng: Khi các linh kiện của máy nén khí hao mòn theo thời gian, máy sẽ phải làm việc nhiều hơn để hoàn thành các chức năng cơ bản của nó dẫn đến quá tải và tạo ra nhiệt quá mức trong quá trình hoạt động.
  • Do tần suất sử dụng: Nếu bạn sử dụng máy nén khí thường xuyên hoặc sử dụng liên tục trong thời gian dài, máy không được nghỉ ngơi đúng cách cũng có thể dẫn đến quá tải, quá nhiệt.
  • Do dầu ăn mòn: Hết dầu, dầu cũ bị cứng lại khiến cho các bộ phận bên trong máy nén hoạt động mà không được bôi trơn đầy đủ cũng là nguyên nhân khiến máy nóng lên.
  • Do van nhiệt: Van nhiệt bị hỏng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về nhiệt của máy nén khí.
  • Do sử dụng loại máy nén không phù hợp: Sử dụng loại máy nén khí không phù hợp với mục đích (máy công suất quá nhỏ so với nhu cầu, máy đời quá cũ...) khiến máy bị quá tải, quá công suất và dẫn đến nhiệt độ tăng cao.

5. Cách khắc phục máy nén khí bị nóng

Để khắc phục tình trạng máy nén khí bị nóng, bị quá nhiệt, bạn nên chú ý cải thiện những vấn đề sau:

Lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu

Cách sửa máy nén khí bị nóng

Nếu máy nén khí của bạn đang trong tình trạng quá cũ, quá tải so với nhu cầu sử dụng, bạn nên nghĩ đến việc thay thế một thiết bị mới hoặc mua thêm thiết bị bổ sung để đáp ứng nhu cầu sử dụng, tránh để máy bị quá tải dẫn đến nóng lên.

Thông gió, tản nhiệt

Thông gió, tản nhiệt kém là những nguyên nhân hàng đầu khiến máy nén khí bị quá nhiệt, vì vậy, bạn nên chú ý đến việc tản nhiệt và thông gió cho máy nén khí. Nên đặt máy ở những nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, không để cửa thông gió của máy sát tường... Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra cửa thông gió, tản nhiệt của máy xem có bị bụi bẩn làm bít tắc, bị vật gì cản trở làm giảm hiệu quả thông gió hay không. Nếu nhiệt độ nơi bạn sống thường cao thì nên có các biện pháp hạ nhiệt như sử dụng thêm quạt, đặt máy trong phòng điều hòa...

Kiểm tra, thay dầu

Khắc phục máy nén khí bị quá nóng

Nếu nguyên nhân máy nén khí bị nóng do hết dầu, dầu bị đặc cứng... thì bạn nên kiểm tra và thay thế dầu cho máy để các linh kiện hoạt động được trơn tru. Ngoài ra, hãy kiểm tra độ nhớt để đảm bảo rằng dầu không bị quá loãng hoặc chảy nước cũng như hãy kiểm tra các bộ lọc trong mỗi lần kiểm tra dầu.

Thay thế linh kiện

Việc kiểm tra, phát hiện hư hỏng và thay thế linh kiện là một việc khó, đòi hỏi hiểu biết chuyên môn cao nên bạn hãy nhờ đến dịch vụ bảo hành hoặc sửa chữa chuyên nghiệp nhé.

6. Cách hạn chế quá nhiệt máy nén khí

Thay vì để máy bị quá nhiệt mới tìm kiếm nguyên nhân và sửa chữa, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động hạn chế tình trạng này bằng cách:

  • Bảo dưỡng định kỳ: Bảo dưỡng định kỳ máy nén khí theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện ra hư hỏng của các linh kiện cũng như phát hiện được những hoạt động bất thường của máy, qua đó kịp thời khắc phục, tránh tình trạng máy nóng thường xuyên khi vận hành.
  • Thường xuyên kiểm tra thông gió: Hãy thường xuyên kiểm tra chất lượng thông gió của thiết bị, làm sạch bộ thông gió, đặt máy ở nơi thoáng mát, cách xa tường...
  • Sử dụng van nhiệt hoặc cảm biến nhiệt độ: Van nhiệt, cảm biết nhiệt có thể theo dõi và kiểm soát mức nhiệt độ khí nén giúp điều chỉnh cài đặt của máy nén để đảm bảo nhiệt độ vận hành tối ưu có thể giúp tránh quá nhiệt.
  • Thay dầu, bổ sung dầu máy kịp thời: Để tránh quá nhiệt máy nén khí, điều quan trọng là phải đảm bảo bôi trơn thích hợp và duy trì lượng dầu bôi trơn đầy đủ cho máy nên bạn hãy thường xuyên kiểm tra và duy trì mức dầu trong máy nén theo khuyến nghị của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, hãy chú ý luôn sử dụng chất bôi trơn được phù hợp với máy nén khí của bạn, theo dõi chất lượng dầu và độ nhớt thường xuyên.
  • Cài đặt giới hạn áp suất: Bằng cách đặt giới hạn áp suất bạn có thể ngăn máy nén hoạt động quá mức và giảm thiểu nguy cơ quá nhiệt. Trong thời gian nhiệt độ môi trường cao, hãy cân nhắc sử dụng cài đặt áp suất thấp hơn để giảm bớt áp lực cho hệ thống.

Xem thêm: 10 Cách giảm tiếng ồn cho máy nén khí hiệu quả nhất

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu được vì sao máy nén khí bị nóng, các dấu hiệu, cách khắc phục và cách hạn chế hiện tượng này, qua đó vận hành thiết bị hiệu quả và an toàn hơn.

Bạn cũng đừng quên thường xuyên truy cập META.vn để tham khảo thêm nhiều tư vấn hữu ích khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!

Chia sẻ bài viết
Sắp xếp theo
Xóa Gửi bình luận