Chế độ tiết kiệm điện máy lạnh: Nên để chế độ nào?

👨 Meta Vn
12/06/2024 14.046

Không ít người dùng thường phàn nàn về độ ngốn điện của điều hòa, máy lạnh. Thế nhưng trên thực tế, nếu biết sử dụng các chế độ tiết kiệm điện máy lạnh thì hóa đơn điện hằng tháng của gia đình bạn cũng không đáng lo ngại. Trong bài viết sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về những chế độ tiết kiệm điện trên thiết bị này nhé.

Chế độ nào tiết kiệm điện nhất trên máy lạnh?

Về mặt lý thuyết, chế độ FAN là chế độ tiết kiệm điện nhất trên điều hòa vì chỉ có quạt chạy, máy nén không chạy. Tuy nhiên, FAN không làm thay đổi nhiệt độ phòng, do đó không tạo được cảm giác dễ chịu như mong muốn, nên cũng rất ít được sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu vừa mát vừa tiết kiệm điện thì các hãng đã trang bị chế độ tiết kiệm điện trên máy lạnh. Chế độ này trong tên gọi thường có những đặc điểm như:

  • Đi kèm với chữ ECO nhằm thể hiện ngay chế độ ECO máy lạnh có khả năng tiết kiệm năng lượng.
  • Thể hiện ý nghĩa có cảm biến (iFEEL, INTELLIGENT EYE...) với chức năng tự động điều chỉnh hoạt động, từ đó góp phần tiết kiệm điện năng hiệu quả.
  • Có các chữ như ENERGY CTRL, WATT OPTION... thể hiện ý nghĩa cho phép người dùng chủ động lựa chọn mức điện năng tiêu thụ.

Chế độ nào tiết kiệm điện nhất trên máy lạnh?

Tìm hiểu về các chế độ tiết kiệm điện trên máy lạnh, điều hòa hiện nay

Dưới đây là chế độ tiết kiệm điện năng tiêu biểu của một số dòng điều hòa, máy lạnh trên thị trường để bạn có thể tham khảo:

1. Chế độ tiết kiệm điện của điều hòa, máy lạnh Panasonic

Chế độ ECONAVI: là công nghệ độc quyền của Panasonic, được tích hợp trên nhiều dòng sản phẩm, trong đó có điều hòa. ECONAVI sử dụng các cảm biến về hoạt động của con người (Human Activity Sensor) và ánh sáng mặt trời (Sunlight Sensor), từ đó tự động điều chỉnh công suất hoạt động để vừa làm mát hiệu quả vừa tiết kiệm điện năng.

Chế độ ECO A.I: Đây là chế độ có sự cải tiến vượt bậc, giúp tiết kiệm điện năng cao hơn tới 20% so với chế độ ECO thông thường. Với chế độ này, máy lạnh Panasonic có khả năng nhận dạng, học hỏi các đặc điểm của khu vực sử dụng như: diện tích phòng, các nguồn nhiệt gồm ánh sáng mặt trời, thiết bị gia dụng, thân nhiệt của người trong phòng... để phân tích và tự động điều chỉnh nhiệt độ không khí sao cho phù hợp, dễ chịu nhất cho người dùng mà không để cảm giác quá nóng hoặc quá lạnh gây tiêu tốn điện năng.

Điều hòa, máy lạnh Panasonic tiết kiệm điện năng

2. Điều hòa Casper

Chế độ ECO: Chế độ này có thể tiết kiệm được 2 - 10% chi phí điện năng hằng tháng. Khi kích hoạt chế độ ECO, công suất của máy lạnh Casper sẽ luôn duy trì ở mức thích hợp để vừa đảm bảo độ mát cho căn phòng nhưng vẫn giảm được lượng điện năng tiêu thụ hiệu quả nhất.

Chế độ iFEEL: Khi chế độ này được kích hoạt, điều hòa Casper sẽ tự động điều chỉnh tăng/giảm nhiệt độ cài đặt dựa trên cảm ứng nhiệt thông minh để mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người dùng mà không gây sốc nhiệt, từ đó giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả, tránh hao phí.

Các chế độ tiết kiệm điện trên điều hòa Casper

3. Điều hòa Mitsubishi Electric

Chế độ ECONO COOL: Chế độ này có tác dụng tự động điều chỉnh hướng gió dựa vào nhiệt độ tại cửa gió. Ở chế độ này, điều hòa Mitsubishi Electric sẽ tự động tăng 2 độ C và hướng gió sẽ được thổi lên/xuống tự động để đem tới cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dùng, đồng thời tiết kiệm tới 20% điện năng tiêu thụ.

Điều hòa Mitsubishi Electric có chế độ tiết kiệm tới 20% điện năng tiêu thụ

4. Điều hòa Mitsubishi Heavy

Chế độ MOTION SENSOR: Chế độ này giúp phát hiện chuyển động của con người, từ đó tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp. Nếu không thấy hoạt động nào diễn ra, điều hòa sẽ tăng lên 2 độ C và giúp tiết kiệm tới 20% điện năng tiêu thụ hằng tháng.

Chế độ ECONOMY MODE: Khi nhiệt độ giảm xuống dưới mức nhiệt độ cài đặt, máy nén và quạt sẽ tắt để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn.

Chế độ FUZZY AUTO MODE: Điều hòa sẽ tự động chọn chế độ vận hành và nhiệt độ cài đặt dựa vào thuật toán nội suy, điều chỉnh tần số biến tần, từ đó nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện năng.

Chế độ tiết kiệm điện máy lạnh trên điều hòa Mitsubishi Heavy

5. Máy lạnh AQUA

Chế độ SLEEP: Chế độ này có tác dụng cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ cơ thể để mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dùng. Khi kích hoạt, máy lạnh AQUA sẽ tự động tăng nhiệt độ sau một khoảng thời gian được thiết lập để phù hợp với thân nhiệt của người dùng.

Chế độ SLEEP trên máy lạnh AQUA có tác dụng cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ

6. Điều hòa Sharp

Chế độ ECO: Với chế độ này, điều hòa Sharp sẽ tạm dừng nếu nhiệt độ trong phòng đạt đến nhiệt độ mà người dùng mong muốn. Sau đó nếu nhiệt độ phòng tăng lên 1 - 2 độ C thì điều hòa Sharp sẽ làm mát trở lại. Quá trình này được lặp lại liên tục để vừa duy trì được cảm giác dễ chịu vừa giúp tiết kiệm điện năng tối ưu.

Chế độ ECO điều hòa Sharp

7. Điều hòa Samsung

Chế độ SINGLE USER: Chế độ này đảm bảo hiệu quả làm mát tại một khu vực nhất định có hoạt động cơ thể (có người) chứ không làm lạnh cả căn phòng, nhờ vậy mà điện năng tiêu thụ cũng được giảm đáng kể.

Chế độ ECO: Ở chế độ này, máy lạnh Samsung sẽ chỉ hoạt động với khoảng 70% công suất của máy nén, đồng thời mỗi 1 giờ sẽ tăng 1 độ C và thêm 1 độ C nữa khi sử dụng tiếp 2 giờ. Sau khi nhiệt độ phòng tăng thêm 1 - 2 độ C, máy sẽ làm mát trở lại để vẫn đảm bảo dễ chịu cho người dùng nhưng vẫn tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Điều hòa Samsung tiết kiệm điện hiệu quả

8. Điều hòa Toshiba

Chế độ ECO: Chế độ này có chức năng tiết kiệm tới 25% điện năng tiêu thụ. Cụ thể khi kích hoạt chế độ này, nhiệt độ của máy sẽ tăng thêm 1 độ C mỗi giờ và duy trì như thế cho đến khi tắt máy (tăng tối đa 2 độ C).

Điều hòa Toshiba có chức năng ECO tiết kiệm tới 25% điện năng tiêu thụ

9. Điều hòa LG

Chế độ ENERGY CTRL: Chế độ này sẽ tùy chỉnh công suất của máy lạnh LG tương ứng với số lần nhấn nút ở các mức 40%, 60%, 80% và 100%. Nhờ vậy điện năng tiêu thụ sẽ được giảm đi đáng kể.

Chế độ ECO: Chế độ ECO trên điều hòa LG có tác dụng tự động đo nhiệt độ phòng để giúp thiết bị vận hành tối ưu nhất từ nhiệt độ tới lượng gió thổi ra, nhờ vậy người dùng vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ, dễ chịu đồng thời vẫn tiết kiệm được tiện năng hiệu quả.

Điều hòa LG tiết kiệm được tiện năng hiệu quả

10. Điều hòa Daikin

Chế độ ECONO: Khi hoạt động ở chế độ này, điều hòa Daikin sẽ duy trì ở mức công suất thấp nhờ vậy mà cho khả năng tiết kiệm tới 20% điện năng tiêu thụ.

 Điều hòa Daikin có khả năng khả năng tiết kiệm tới 20% điện năng tiêu thụ khi sử dụng chế độ ECO

11. Điều hòa Funiki

Chế độ ECO/ECONOMY: Ở chế độ này, điều hòa Funiki sẽ hoạt động với mức công suất trung bình nên có thể tiết kiệm tới 20% điện năng so với chế độ thông thường khác.

Điều hòa Funiki

12. Điều hòa Gree

Chế độ iFEEL: Remote của điều hòa sẽ được tích hợp một bộ cảm biến nhiệt, có thể cảm nhận được nhiệt độ cơ thể của người dùng trong phòng. Khi chức năng iFeel được kích hoạt, điều hòa Gree sẽ phân tích để tăng/giảm nhiệt độ sao cho phù hợp giúp người dùng vẫn cảm thấy dễ chịu nhưng đồng thời không làm tiêu tốn điện năng.

Điều hòa Gree

13. Điều hòa Nagakawa

Chế độ ECONOMY: Khi chế độ này được kích hoạt thì máy nén và quạt sẽ hoạt động ở mức thấp, nhờ vậy mà điện năng tiêu thụ của máy sẽ giảm đáng kể trong khi người dùng vẫn có cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Điều hòa Nagakawa

14. Điều hòa Midea

Chế độ iECO: Chế độ iECO trên dòng điều hòa Midea chỉ kích hoạt được khi máy lạnh vận hành trong khoảng 24 độ đến 30 độ.

Chế độ GEAR: Máy lạnh sẽ hoạt động với 3 mức công suất là 50%, 75%, 100% để người dùng chủ động điều chỉnh sao cho phù hợp. Điều này sẽ giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn mỗi khi nhiệt độ trong phòng đạt mức mong muốn.

Điều hòa Midea

15. Điều hòa Electrolux

Chế độ ECO: Ở chế độ này, máy lạnh sẽ điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức thích hợp nhất và duy trì trạng thái ổn định sao cho người dùng luôn cảm thấy dễ chịu, đồng thời giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ.

Điều hòa Electrolux

Điều hoà để chế độ nào tiết kiệm điện mà vẫn đảm bảo sự dễ chịu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về mức độ tiêu thụ điện năng của các chế độ trên điều hòa bạn nhé:

1. Chế độ mát COOL

Đây là chế độ thông thường hoặc mặc định trên nhiều dòng điều hòa, máy lạnh. Ở chế độ này, điều hòa hoạt động ở nhiệt độ đã được cài đặt và tốc độ quạt mà nó hoạt động.

Khả năng tiết kiệm điện của chế độ COOL tùy thuộc vào nhiệt độ mà bạn cài đặt. Theo Cục Hiệu quả Năng lượng (BEE), nếu bạn tăng điều hòa lên 1 độ C thì có thể tiết kiệm tới 6% điện năng tiêu thụ. Như vậy nhiệt độ lý tưởng để bạn cảm nhận được sự thoải mái mà vẫn tiết kiệm điện năng là khoảng 25 độ C.

2. Chế độ hút ẩm DRY

 Chế độ hút ẩm Dry

Đây là chế độ lý tưởng cho những khu vực gần biển hoặc những ngày có độ ẩm không khí cao.

Khi chế độ này được kích hoạt, quạt sẽ chạy ở tốc độ thấp hơn và máy nén chạy theo chu kỳ lớn để loại bỏ độ ẩm, giúp căn phòng trở nên khô ráo.

Mặc dù tiết kiệm điện năng, thế nhưng chế độ DRY lại không cho phép điều hòa cung cấp luồng hơi mát bởi máy nén không hoạt động tích cực.

3. Chế độ quạt FAN

Ở chế độ quạt, máy nén sẽ tắt và quạt chạy liên tục. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc tiết kiệm điện năng bởi máy nén được coi là bộ phận tiêu tốn điện năng nhiều nhất của điều hòa. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chế độ này không có tác dụng làm mát.

Chế độ quạt FAN

4. Chế độ tự động AUTO

Chế độ AUTO là chế độ vận hành theo cài đặt mặc định trên máy, nhằm điều chỉnh nhiệt độ phòng và tốc độ quay của quạt gió, sao cho phù hợp nhất với môi trường bên ngoài.

Chế độ này cũng có tác dụng tiết kiệm điện năng do khả năng làm mát chậm, hoạt động với mức công suất không quá mạnh.

5. Chế độ cảm biến tự động

Chế độ cảm biến tự động

Các chế độ này cài đặt nhiệt độ theo sự hiện diện của con người trong phòng ví dụ như iFEEL, INTELLIGENT EYE, SINGLE USER...

Khi các chế độ này được kích hoạt, cảm biến nhiệt sẽ giúp phát hiện nhiệt độ cơ thể của người dùng, từ đó điều chỉnh quạt, máy nén hoạt động để tăng/giảm nhiệt độ hợp lý sao cho người dùng cảm nhận được hơi mát, luôn cảm thấy dễ chịu mà vẫn đảm bảo tiết kiệm điện năng.

6. Chế độ làm mát nhanh (TURBO, FAST COOLING, JET MODE, HI POWER...) 

Các chế độ này dĩ nhiên không giúp tiết kiệm điện năng mà ngược lại sẽ làm điện năng tiêu hao nhiều hơn. Thông thường nhiệt độ lý tưởng cho điều hòa luôn được khuyên ở mức 25 độ C nhưng ở các chế độ làm mát nhanh, điều hòa sẽ vận hành ở mức nhiệt độ từ 16 - 18 độ C do vậy sẽ cần tiêu tốn nhiều điện năng hơn để điều hòa đạt được mức nhiệt độ như vậy.

7. Chế độ tiết kiệm điện (ECO, ECONO, ECONOMY, ECONO COOL, ECONAVI...) 

Chế độ tiết kiệm điện

Ở chế độ tiết kiệm điện năng, quạt và máy nén sẽ ngừng nếu nhiệt độ trong phòng đạt được mức cài đặt. Và sau đó, nếu nhiệt độ trong phòng tăng lên tới giới hạn (thường là tăng 1 - 2 độ C) thì quạt và máy nén sẽ hoạt động trở lại.

8. Chế độ kiểm soát năng lượng chủ động (ENERGY CTRL, WATT OPTION...)

Đúng như tên gọi, chế độ này cho phép người dùng tự động điều chỉnh công suất của quạt và máy nén theo các mức 40%, 60%, 80% và 100%. Do vậy tác dụng tiết kiệm điện sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn sử dụng của người dùng.

 Chế độ kiểm soát năng lượng chủ động

9. Chế độ ngủ SLEEP

Chế độ SLEEP thường sẽ tăng nhiệt độ lên 1 độ C sau một khoảng thời gian nhất định và tối đa là tăng khoảng 2 độ C cho đến khi tắt máy. Nhờ vậy máy nén, quạt sẽ không phải hoạt động liên tục nhưng vẫn giúp người dùng cảm nhận được sự mát mẻ, dễ chịu, đồng thời tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn.

Chế độ ngủ Sleep

10. Chế độ hẹn giờ

Với chế độ này, người dùng có thể chủ động thời gian bật/tắt điều hòa để không rơi vào trạng thái quá nóng hoặc quá lạnh nếu chẳng may ngủ quên. Tính năng này cũng góp phần giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn.

>>> Kết luận: Từ những chia sẻ ở trên, có thể thấy rằng để điều hòa hoạt động tiết kiệm điện nhưng vẫn đảm bảo cảm giác dễ chịu trong phòng thì bạn nên linh hoạt lựa chọn các chế độ tùy theo điều kiện thời tiết, số lượng người trong phòng... Ví dụ:

  • Nếu sử dụng điều hòa vào những ngày oi nóng, bạn có thể sử dụng chế độ làm mát nhanh, sau đó khi đã cảm nhận được hơi mát, có cảm giác dễ chịu, bạn nên chuyển điều hòa về chế độ COOL hoặc chế độ tiết kiệm điện để tiết kiệm điện năng hơn.
  • Còn nếu sử dụng điều hòa vào buổi tối khi trời mát mẻ, bạn có thể chọn chế độ COOL/AUTO, sau đó lựa chọn thêm chế độ SLEEP hoặc chế độ hẹn giờ để tránh trường hợp ngủ quên làm điện năng tiêu hao nhiều.

Xem thêm: Bật điều hoà có cần bật quạt không?

Mong rằng qua bài viết này, bạn đã biết các chế độ tiết kiệm điện máy lạnh và có cách sử dụng hợp lý.

Đừng quên thường xuyên truy cập chuyên mục tư vấn máy lạnh của META để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.

META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!

Chia sẻ bài viết
1 Bình luận
Sắp xếp theo
Xóa Gửi bình luận
  • Nguyen Ngoc Minh
    Nguyen Ngoc Minh rat bô ích
    Thích Phản hồi 21/07/20
    • Meta Chào Anh/Chị
      Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới bài viết và có những phản hồi tích cực ạ!
      Thích Phản hồi 21/07/20