Có mấy cách giặt quần áo? Quy trình giặt, phơi quần áo đúng cách, hiệu quả

👨 Phương Ngọc Nhất Hạnh
06/06/2023 332

Giặt quần áo là việc mà chúng ta cần thực hiện hằng ngày và tưởng chừng như rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết làm sao để giặt đồ vừa sạch, vừa bền màu và bảo vệ sợi vải như mới. Có rất nhiều khách hàng đã đặt ra câu hỏi rằng có mấy cách giặt quần áo và yêu cầu META.vn hãy trình bày quy trình giặt, phơi quần áo. Vậy thì, mời bạn cùng META.vn tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!

Có mấy cách giặt quần áo?

Có mấy cách để giặt ướt quần áo?

Vậy, có mấY cách để giặt ướt quần áo? Về cơ bản hiện nay có 2 cách giặt quần áo chủ yếu là giặt tay và giặt máy, trong đó:

  • Giặt tay là phương pháp được con người sử dụng từ thời xa xưa, chủ yếu sử dụng sức của hai bàn tay. Ưu điểm của phương pháp này là nhẹ nhàng, bảo vệ quần áo tốt hơn, nhưng lại tốn công sức và mất khá nhiều thời gian.
  • Giặt máy là phương pháp được đa số các gia đình hiện đại lựa chọn bởi tính tiện lợi, ít tốn công sức và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên vẫn có một số loại quần áo không thể giặt được bằng máy vì rất dễ gây mất dáng, hư hỏng như vải lụa, len, thun mỏng, đồ jean…

Vậy quy trình giặt, phơi quần áo như thế nào? META sẽ giúp bạn nêu chi tiết quy trình giặt, phơi quần áo đúng cách, hiệu quả trong phần tiếp theo của bài viết nhé!

Xem thêm: Tất tần tật các loại máy giặt phổ biến nhất hiện nay

Quy trình giặt, phơi quần áo đúng cách, hiệu quả

Hãy trình bày quy trình giặt phơi quần áo

Trong phần chia sẻ này, META.vn sẽ giúp chị em nêu quy trình giặt, phơi quần áo đúng cách, hiệu quả. Về bản chất, khi giặt tay và giặt máy sẽ có những bước thực hiện khác nhau. Cụ thể như sau:

Quy trình giặt, phơi quần áo bằng tay

Quy trình giặt, phơi quần áo bằng tay đúng gồm các bước sau:

Bước 1: Phân loại quần áo

Phân loại quần áo trước khi giặt bằng tay

Đây là một bước quan trọng mà phần lớn chúng ta thường bỏ qua. Tuy nhiên để quần áo được làm sạch hiệu quả và bền màu, bạn nên phân loại quần áo theo:

  • Màu sắc: Khi giặt, bạn cần tách riêng đồ trắng và đồ màu để hạn chế tình trạng lem màu trong quá trình ngâm giặt.
  • Độ bẩn: Phân loại quần áo theo độ bẩn sẽ giúp bạn tránh được việc các vết bẩn lan sang những bộ đồ khác hoặc khó giặt, tẩy sạch. Một số vết bẩn cứng đầu, bạn cần phải xử lý trước khi bắt đầu giặt, cụ thể:
    • Vết thức ăn, nước sốt (tương ớt, tương cà…): Bạn cần ngâm quần áo trong nước khoảng 20 phút rồi thực hiện giặt với xà phòng.
    • Vết máu: Hãy ngâm đồ dính máu vào nước lạnh khoảng 15 phút, tiếp theo ngâm với xà phòng hoặc nước tẩy trong 5 - 7 phút rồi giặt sạch.
    • Vết dầu mỡ, dầu nhớt: Cho xà phòng hoặc nước tẩy lên mặt sau của vết bẩn, để khoảng 3 - 5 phút rồi vò sạch.

Ngoài ra, khi phân loại quần áo, bạn có thể thực hiện luôn việc lộn trái chúng trước khi tiến hành ngâm giặt nhé!

Bước 2: Chọn dùng bột giặt hoặc nước giặt phù hợp

Chọn dùng bột giặt hoặc nước giặt phù hợp

Để giặt quần áo bằng tay hiệu quả, bạn còn cần lựa chọn bột giặt hoặc nước giặt phù hợp với yêu cầu sử dụng của mình. Bạn có thể tham khảo các cách chọn bột giặt hay nước giặt sau:

  • Nước giặt có khả năng hòa tan nhanh chóng, đem lại hiệu quả giặt sạch cao hơn, không để lại cặn xà phòng trên quần áo nhưng giá thành cao.
  • Bột giặt có độ hòa tan thấp hơn nhưng có giá thành rẻ.
  • Khi giặt quần áo bằng tay bạn nên tránh chọn bột giặt - nước giặt dành cho máy bởi bột giặt tay thường có độ tẩy thấp hơn nhưng lại cho nhiều bọt hơn so với bột giặt máy.
  • Ngoài ra, bạn còn có thể lựa chọn bột giặt dựa theo mùi hương yêu thích của mình nữa nhé!

Bước 3: Ngâm quần áo

Nên ngâm quần áo trước khi giặt bằng tay

Sau khi chọn được loại bột giặt phù hợp, bạn hãy xả nước vào chậu, cho lượng bột giặt vừa đủ rồi khuấy đều giúp nó tan ra hoàn toàn. Tiếp đó, bạn mới cho quần áo vào ngâm để tránh áp lực mạnh xả từ vòi làm biến dạng các kết cấu của sợi vải và làm cho chất giặt tẩy khó phát huy hết tác dụng. Thời gian ngâm quần áo phụ thuộc vào mức độ bẩn và chất liệu của quần áo.

Bước 4: Vò quần áo với xà phòng

Vò quần áo với xà phòng

Khi quần áo đã được ngâm đủ thời gian, bạn cần dùng hai tay vò sạch từng chiếc quần, áo, đặc biệt chú ý đến những vết bẩn và những vị trí hay bị ố như cổ áo, nách áo, cổ tay áo, gấu quần…

Bước 5: Xả quần áo

Ngâm quần áo với nước xả vải

Sau khi vò sạch quần áo với xà phòng, chúng ta cần giũ quần áo trong chậu nước đến khi hết xà bông. Sau đó lấy lượng nước xả vừa đủ pha với nước sạch rồi cho quần áo vào ngâm trong khoảng 15 phút.

Bước 6: Phơi quần áo

Phơi quần áo ở nơi khô thoáng, nhiều gió

Khi dùng tay vắt thì quần áo của chúng ta sẽ không được khô bằng việc sử dụng máy giặt - sấy, vì vậy bạn cần lưu ý phơi quần áo ở nơi đủ nắng, thoáng gió với khoảng cách vừa đủ để giúp quần áo nhanh khô, tránh vi khuẩn xâm nhập gây mùi hôi khó chịu.

Xem thêm: Quần áo phơi bị mưa có cần giặt lại không?

Quy trình giặt, phơi quần áo bằng máy

Nhiều người cho rằng, khi giặt bằng máy thì bạn chỉ cần cho quần áo vào lồng giặt, nhấn nút là xong. Tuy nhiên, quy trình giặt quần áo bằng máy đúng được các nhà sản xuất đưa ra như sau:

Bước 1: Tiến hành xử lý quần áo trước khi cho vào máy giặt

Kiểm tra và lấy tất cả vật dụng có trong túi quần áo trước khi cho vào máy giặt

Để đảm bảo quần áo của chúng ta được bền lâu, không bị hỏng form dáng thì chúng ta cần thực hiện một số thao tác sau trước khi bỏ chúng vào máy giặt:

  • Kiểm tra và lấy tất cả vật dụng có trong túi quần áo: Đây là việc làm cần thiết, bởi những vật dụng để quên trong túi quần áo có thể vô tình móc rách quần áo trong quá trình lồng giặt xoay, hoặc có thể rơi ra làm hư hỏng máy giặt.
  • Phân loại quần áo: Bạn có thể thực hiện thao tác này song song với việc kiểm tra túi quần áo. Tương tự như khi giặt tay, chúng ta cần phân ra quần áo trắng và quần áo màu, sau đó giặt thành từng mẻ riêng để tránh lem màu.
  • Mở khóa kéo, tháo hết các cúc: Việc này giúp áo quần tránh bị rách do áp lực cao trong lồng giặt, đồng thời lộn trái hết đồ để giúp quần áo bền màu hơn sau khi giặt.
  • Cho quần áo vào túi giặt: Đối với đồ lót, quần áo có chất liệu mỏng hoặc có phụ kiện đính kèm như đinh, cườm… thì bạn nên cho vào trong túi giặt để hạn chế lực tác động của máy giặt, tránh tình trạng rách đường may, tưa chỉ, rơi phụ kiện… làm hư hỏng đồ.
  • Xử lý sơ những vết bẩn khô, cứng đầu: Vì máy giặt không thể chủ động xử lý đặc biệt những vết bẩn khô, cứng đầu có trên quần áo nên chúng ta cần xử lý chúng trước khi cho vào máy giặt bằng cách ngâm với nước pha xà phòng, sau đó dùng bàn chải mềm để chà sạch.

Bước 2: Kiểm tra các bộ phận của máy giặt

Kiểm tra máy giặt trước khi sử dụng

Tiếp theo, bạn nên thực hiện kiểm tra các bộ phận của máy giặt như dây điện, ngăn đựng bột giặt - nước xả, hệ thống ống xả nước của thiết bị để tránh tình trạng máy báo lỗi, vừa khiến quy trình giặt gián đoạn, quần áo không được giặt sạch, vừa tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng, chập cháy máy.

Bước 3: Thực hiện giặt quần áo

Bỏ quần áo vào lồng giặt

Bỏ quần áo vào lồng giặt

Tiếp theo, chúng ta cần xem xét tải trọng của máy giặt để cho khối lượng quần áo phù hợp. Nếu lượng quá nhiều sẽ khiến quần áo không được giặt sạch, thậm chí làm lồng giặt rung lắc quá mạnh gây hỏng gãy trục xoay. Nếu lượng quá ít dễ khiến quần áo bị dồn về một phía làm mất cân bằng lồng giặt và máy báo lỗi.

Xem thêm: Nên cho bao nhiêu quần áo vào máy giặt mỗi mẻ?

Cho chất tẩy rửa vào máy giặt

Cho chất giặt tẩy quần áo vào máy giặt

Thông thường máy giặt sẽ có 2 hoặc 3 ngăn đựng chất tẩy, bột giặt (tùy từng thương hiệu, series máy). Các ngăn đựng bột/nước giặt, nước xả và thuốc tẩy thường được đặt tên như sau:

  • Detergent là ngăn đựng bột/nước giặt
  • Softener là ngăn đựng nước xả vải.
  • Bleach là ngăn đựng thuốc tẩy trắng quần áo.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý sử dụng lượng bột/nước giặt, nước xả vải hợp lý. Với khoảng 20 chiếc quần/áo bạn cần dùng:

  • 2 muỗng tương đương khoảng 60g bột giặt.
  • 1 nắp khoảng 35ml nước giặt.
  • 1 nắp, xấp xỉ 35ml nước xả vải.

Lưu ý, nên lựa chọn loại bột/nước giặt dành riêng cho máy giặt cửa trước/máy giặt cửa trên mà bạn đang sử dụng.

Chọn chế độ giặt phù hợp

Chọn chế độ giặt phù hợp với quần áo

Mỗi chiếc máy giặt đều có khá nhiều chế độ và chương trình giặt để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tùy theo từng chất liệu vải ghi trên mác áo mà bạn có thể chọn chế độ và những chương trình giặt khác nhau. Một số chế độ và chức năng giặt cơ bản:

  • Chế độ giặt nước nóng: Cho phép điều chỉnh nhiệt độ nước trong quá trình giặt trong khoảng 20 đến 95 độ C tùy máy.
  • Mức nước: Để tiết kiệm nước và hòa tan toàn bộ cặn xà phòng bạn nên lựa chọn mức nước phù hợp trong khoảng thấp - vừa - cao dựa vào khối lượng quần áo cần giặt.
  • Xả và vắt: Chế độ này được dùng khi bạn cho nước xả vải vào khay đựng.
  • Vắt (vắt nhẹ, vắt cực khô…): Đây là chế độ giúp vắt khô quần áo.
  • Sấy: Hiện nay các dòng máy giặt cao cấp thường được tích hợp thêm chế độ sấy khô giúp quần áo nhanh khô và sạch thơm hơn.
  • Chức năng giặt hỗn hợp (Mixed): Đây là chương trình được sử dụng để giặt chung nhiều loại quần áo khác nhau với nhiệt độ nước khi vận hành là khoảng 60 độ C.
  • Chức năng giặt Cottons (Cottons): Dành cho các chất liệu thấm hút siêu mạnh được chúng ta mặc hằng ngày như đồ ngủ, áo sơ mi, áo phông cotton…, chức năng này giúp làm sạch sâu, thời gian giặt lâu với mức nhiệt độ lên đến 90 độ C để tiêu diệt vi khuẩn.
  • Chức năng giặt nhanh (Quick): Là chương trình giặt giúp tiết kiệm thời gian bởi quy trình giặt chỉ diễn ra trong khoảng 15 - 20 phút với nhiệt độ giặt khoảng 30 độ C. Nhược điểm là chương trình này không làm sạch sâu, khó loại bỏ những vết bẩn cứng đầu.
  • Chức năng giặt vải dễ hỏng (Delicates): Đây là chương trình giặt nhẹ phù hợp với các loại vải lụa, tơ tằm… dễ bị nhàu, rách.
  • Chức năng giặt đồ trẻ em (Baby): Là chương trình chuyên dùng để giặt sâu làm sạch các vết bẩn có trên quần áo trẻ, đồng thời tăng cường khâu xả để loại bỏ hoàn toàn bột giặt, cặn hóa chất có thể gây kích ứng làn da non nớt của các bé.
  • Chức năng giặt đồ tối màu (Jeans): Là chương trình giặt đồ với nhiệt độ thấp để hạn chế tình trạng bạc màu của quần áo, đồng thời giúp xả sạch hơn, hạn chế tình trạng cặn bột giặt đọng lại trên quần áo.
  • Chức năng giặt đồ len (Wool): Đây là chương trình giặt nhẹ nhàng để bảo vệ đồ len khỏi tình trạng kéo giãn, chạy chỉ, làm hỏng form vốn có.

Bước 4: Phơi quần áo

Nên phơi quần áo sau khi giặt xong

Để tránh tình trạng nấm mốc sinh sôi gây mùi khó chịu, bạn nên phơi quần áo ngay sau khi máy thực hiện xong chu trình giặt nhé!

Xem thêm: Top 10 món đồ giặt được bằng máy bạn không ngờ tới

Như vậy, META.vn vừa giúp bạn trả lời câu hỏi có mấy cách giặt quần áo và quy trình giặt, phơi quần áo đúng cách. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn giải đáp được tất cả các thắc mắc của bạn.

META.vn hiện đang có bán rất nhiều mẫu máy giặt chính hãng đến từ các thương hiệu nổi tiếng với mức giá cực kỳ cạnh tranh. Nếu có nhu cầu mua sắm các sản phẩm này, bạn hãy nhanh tay truy cập website siêu thị điện máy META.vn hoặc liên hệ trực tiếp đến hotline dưới đây của chúng tôi để được tư vấn chi tiết. META cam kết Hàng chính hãng, Uy tín lâu năm, Dịch vụ Giao hàng & Bảo hành trên toàn quốc.

Tại Hà Nội:
56 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy
Điện thoại: 024.3568.6969
Tại TP. HCM:
716-718 Điện Biên Phủ, Phường 10, Quận 10
Điện thoại: 028.3833.6666

Đừng quên thường xuyên truy cập META.vn để tham khảo thêm nhiều thông tin tư vấn máy giặt hữu ích khác nhé. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!

Chia sẻ bài viết
Sắp xếp theo
Xóa Gửi bình luận