Sốc nhiệt điều hòa là gì? Biểu hiện và cách xử lý

👨 Phương Ngọc Nhất Hạnh
26/03/2024 12.419

Sốc nhiệt điều hòa là tình trạng rất thường gặp khi sử dụng điều hòa, máy lạnh không đúng cách. Vậy nguyên nhân và cách xử lý khi bị sốc nhiệt điều hòa như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé.

Sốc nhiệt điều hòa là gì? Biểu hiện và cách xử lý

Sốc nhiệt điều hòa là gì?

Sốc nhiệt điều hòa là hiện tượng dễ xảy ra khi bạn đang ở các không gian có nhiệt độ cao trong một thời gian dài (ngoài trời nắng nóng) rồi đột ngột đi vào phòng điều hòa có nhiệt độ thấp hoặc ngược lại từ phòng điều hòa bước đột ngột ra nơi nhiệt độ cao.

Hiện tượng sốc nhiệt điều hòa xảy ra cả với điều hòa 1 chiều và điều hòa 2 chiều. Cụ thể có 2 trường hợp là sốc nhiệt lạnh và sốc nhiệt nóng như sau:

  • Sốc nhiệt lạnh: Nhiệt độ cơ thể bị giảm đột ngột khi đi từ ngoài trời nắng vào phòng máy lạnh hoặc đi từ phòng điều hòa có chức năng sưởi ấm ra ngoài trời lạnh.
  • Sốc nhiệt nóng: Nhiệt độ cơ thể bị tăng lên đột ngột khi bước từ phòng lạnh ra ngoài trời nắng gay gắt hoặc từ ngoài trời lạnh vào phòng điều hòa có chức năng sưởi ấm.

Sốc nhiệt điều hòa là gì?

Lúc này, nhiệt độ thay đổi quá nhanh từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng khiến cơ thể bạn không kịp thích nghi và gây ra các phản ứng tiêu cực như tình trạng da nóng, khô nhanh, đỏ mặt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt, tức ngực... nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.

Biểu hiện sốc nhiệt điều hòa

Sốc nhiệt điều hòa thường có các biểu hiện, dấu hiệu như sau:

  • Cơ thể cảm thấy đau nhức, đổ rất nhiều mồ hôi.
  • Nhiệt độ cơ thể bất thường, da khô và nóng khi chạm vào.
  • Xuất hiện hiện tượng nôn ói, choáng váng, thở gấp, hoa mắt, bụng khó chịu.
  • Mặt và da đỏ bừng.
  • Tim đập nhanh hơn bình thường để tăng tuần hoàn máu làm mát cơ thể.
  • Có biểu hiện, hành vi bất thường, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, nói lắp bắp, cơ thể run rẩy, nghiêm trọng hơn còn có tình trạng mê sảng, co giật...

Biểu hiện sốc nhiệt điều hòa

Tình trạng sốc nhiệt điều hòa có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng thông thường sẽ hay xảy ra với những đối tượng nguy cơ cao như:

  • Những người có sức khỏe kém.
  • Người thường xuyên làm việc trong điều kiện nắng nóng gay gắt như công nhân, nông dân, nhân viên giao hàng, vận động viên...
  • Người già, trẻ em hoặc phụ nữ.
  • Những người mắc bệnh tim mạch, ung thư, gan...

Cách xử lý khi bị sốc nhiệt máy lạnh

Nếu bắt gặp một người có dấu hiệu bị sốc nhiệt điều hòa, bạn cần tiến hành sơ cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho họ. Sau đây là một số bước sơ cứu mà bạn có thể áp dụng:

Đưa ngay người bị sốc nhiệt đến nơi thoáng mát, có nhiệt độ trung bình

Khi thấy người bị sốc nhiệt trong phòng máy lạnh, bạn cần đưa họ ra ngoài, đặt ở nơi thông thoáng, có nhiệt độ trung bình và không chênh lệch nhiệt độ nhiều so với phòng điều hòa trước đó.

Ví dụ với người bị sốc nhiệt khi đi từ phòng điều hòa ra, bạn hãy đưa họ quay lại phòng nhưng cần điều chỉnh nhiệt độ để không quá nóng hoặc quá lạnh, đồng thời mở tất cả các cửa phòng để đảm bảo không khí được lưu thông, giúp họ cảm thấy hít thở dễ dàng hơn. Sau vài phút, hãy tắt điều hòa và có thể bật quạt để không khí lưu thông.

Mở các cửa cho phòng thông thoáng

Để người bệnh nghỉ ngơi, giải nhiệt

Đặt người bị sốc nhiệt ở tư thế nằm ngửa, nâng 2 chân cao hơn tim để máu về tim và não dễ dàng hơn.

Sau đó hãy nới lỏng quần áo, cởi bớt lớp áo bên ngoài (nếu bị sốc nhiệt nóng) hoặc đắp thêm chăn mỏng, dùng khăn ướt lau hoặc phủ lên người hoặc dùng quạt chiếu thẳng vào họ (nếu sốc nhiệt lạnh, tuy nhiên cũng cần cân nhắc tình trạng thực tế của từng người).

Lúc này nếu người bệnh tỉnh táo, không bị nôn mửa thì bạn có thể cho họ uống chút nước đường ấm để giúp họ không bị mất nước.

Để người bệnh nghỉ ngơi, giải nhiệt

Liên hệ với trung tâm y tế nơi gần nhất

Nếu bạn đã sơ cứu như các bước trên mà tình trạng người bệnh không đỡ hoặc trở nặng, bạn cần đưa họ đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Khi tới cơ sở y tế, hãy nhớ thông báo tình trạng của họ để nhân viên y tế nắm được.

Tiến hành hô hấp nhân tạo

Trong trường hợp đang trên đường tới cơ sở y tế mà người bệnh trở nặng, mất ý thức hoặc ngưng thở, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo. Hãy cố gắng thổi ngạt, ấn tim cho họ ngay lập tức.

Tiến hành hô hấp nhân tạo, ấn tim

Biến chứng của hiện tượng sốc nhiệt máy lạnh, điều hòa

Trong quá trình điều trị hồi sức, nằm viện sau đó, người bị sốc nhiệt điều hòa có thể gặp phải một số biến chứng như sau:

  • Rối loạn điện giải và chuyển hóa như tăng kali máu, hạ đường máu, hạ canxi máu...
  • Mê sảng kích thích, hiện tượng này thường thoáng qua và là hậu quả của việc tăng thân nhiệt nhưng cũng có thể thứ phát do hạ đường máu, tổn thương não...
  • Tổng thương thận, gan, cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Xuất huyết tiêu hóa, tổn thương ruột do thiếu máu.
  • Đông máu nội mạch rải rác (DIC).
  • Suy hô hấp.
  • Co giật.

Nguyên nhân bị sốc nhiệt điều hòa

Nguyên nhân sốc nhiệt điều hòa do chênh lệch nhiệt độ quá lớn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốc nhiệt điều hòa, trong đó phải kể đến các nguyên nhân phổ biến như:

  • Cơ thể yếu, sức đề kháng kém, khi gặp môi trường có nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ mất một lượng năng lượng lớn để thích ứng với nhiệt độ, từ đó làm suy giảm miễn dịch và dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt.
  • Sử dụng điều hòa, máy lạnh trong thời gian quá dài, đồng thời cài đặt nhiệt độ trong phòng chênh lệch rất nhiều so với nhiệt độ môi trường bên ngoài.
  • Bước ra/bước vào phòng điều hòa một cách vô cùng nhanh và đột ngột.

Cách phòng tránh hiện tượng sốc nhiệt điều hòa

Mặc dù khi bị sốc nhiệt điều hòa nếu sơ cứu kịp thời sẽ không gây tác động quá nghiêm trọng nhưng chúng ta vẫn nên lưu ý cách dùng điều hòa làm sao cho đúng để tránh bị sốc nhiệt. Dưới đây là một số phương pháp đơn giản để phòng tránh hiện tượng sốc nhiệt điều hòa, máy lạnh mà bạn có thể áp dụng:

Không vào phòng lạnh ngay sau khi đi nắng về: Sau khi ở ngoài trời nóng thời gian dài, bạn nên bật quạt ngồi ở phòng ngoài một thời gian để nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường trước khi vào phòng điều hòa. Nếu đi nắng về mà bước vào phòng lạnh đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi rất dễ bị cảm lạnh, co mạch máu, thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ.

Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp: Nhiều người thường có thói quen để điều hòa ở nhiệt độ thấp để phòng nhanh mát. Tuy nhiên, khi nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng điều hòa chênh lệch quá lớn thì nguy cơ bị sốc nhiệt càng cao. Theo các chuyên gia, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời - trong phòng chỉ nên ở mức 7oC. Tốt nhất, bạn chỉ nên để nhiệt độ ở mức 25 - 28oC, đây là mức nhiệt độ lý tưởng với cơ thể, giúp bạn không gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe. Nếu bạn muốn phòng mát hơn thì hãy sử dụng thêm các thiết bị như quạt điện, quạt hơi nước... thay vì hạ nhiệt độ xuống thấp hơn.

Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp

Bật quạt: Sử dụng thêm quạt khi dùng máy lạnh là cách giúp phòng vừa lạnh nhanh vừa giúp không khí lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, bạn nên mở cửa để lấy không khí mới vào phòng 1 lần sau 2 tiếng dùng máy lạnh để đảm bảo không khí trong phòng không bị tích tụ vi khuẩn, CO2...

Lựa chọn trang phục phù hợp: Nếu thường xuyên phải ra vào phòng máy lạnh, tốt nhất bạn nên trang bị cho mình một lớp quần áo mỏng nhẹ khác để dễ dàng điều chỉnh (cởi bớt hoặc mặc thêm) sao cho phù hợp với điều kiện nhiệt độ.

Tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút: Thay vì tắt điều hòa ngay trước khi ra ngoài thì bạn nên tắt máy lạnh khoảng 30 phút trước khi ra khỏi phòng để cơ thể của bạn thích nghi với nhiệt độ lên cao dần dần và không bị sốc nhiệt.

Tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút

Tăng cường đề kháng cho cơ thể: Hãy xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, tránh xa chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá... tăng cường hệ miễn dịch để có một cơ thể khỏe mạnh. Có như vậy, cơ thể bạn mới có thể đối phó được với môi trường nhiệt độ chênh lệch, hạn chế tình trạng sốc nhiệt xảy ra.

Uống nhiều nước: Uống nhiều nước, bổ sung nước điện giải, nước đường cho cơ thể nếu phải vận động nhiều, làm việc nặng nhọc cũng là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh sốc nhiệt.

Uống nhiều nước

Xem thêm: Nên sử dụng điều hòa, máy lạnh 1 ngày tối đa bao nhiêu tiếng?

Trên đây là những điều cần biết về hiện tượng sốc nhiệt điều hòa, bao gồm biểu hiện, nguyên nhân, cách xử lý và phòng tránh. Hy vọng rằng với những chia sẻ của chúng tôi, bạn sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực khi sử dụng điều hòa.

Để tham khảo thêm những kiến thức hữu ích khác về điều hòa, hãy truy cập ngay META.vn nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!

Chia sẻ bài viết
Sắp xếp theo
Xóa Gửi bình luận