Việc sử dụng các dụng cụ tập đi đối với người lớn tuổi, người bị chấn thương ở chân, người gặp khó khăn khi đi lại... là hoàn toàn cần thiết. Các loại dụng cụ này sẽ giúp họ có thể dễ dàng và thuận tiện hơn khi di chuyển. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lựa chọn và sử dụng các thiết bị này cũng có rất nhiều điều cần lưu ý. Dưới đây, META.vn sẽ tổng hợp một số kinh nghiệm giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về những dụng cụ tập đi này.
Dụng cụ tập đi gồm những gì?
Dụng cụ tập đi là khái niệm nói về những thiết bị có khả năng hỗ trợ việc đi lại dễ dàng hơn, những dụng cụ này bao gồm khung tập đi, gậy tập đi và nạng. Mỗi dụng cụ trên đều có những ưu điểm riêng biệt, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu rõ hơn về từng loại nhé.
1. Khung tập đi
Khung tập đi là dụng cụ cần thiết giúp hỗ trợ người già, người gặp chấn thương ở chân... có thể di chuyển dễ dàng và vững chắc hơn.
Phân loại khung tập đi
Khung tập đi được phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào số lượng bánh xe hoặc thiết kế của khung. Dưới đây là một số loại khung tập đi cơ bản nhất:
- Khung tập đi tiêu chuẩn: Khung tập đi loại này được thiết kế bốn chân, không gắn bánh xe, giúp cho người dùng vững vàng hơn khi tập đi. Tuy nhiên, khi sử dụng loại khung này, các bạn cần phải nhấc nhẹ chúng lên mới có thể di chuyển được.
- Khung tập đi 2 bánh (khung tập đi 2 chân): Loại khung này được thiết kế hai bánh xe ở hai chân trước. Nếu bạn không cần phải hỗ trợ quá nhiều khi di chuyển thì bạn có thể lựa chọn loại khung tập đi hai bánh này.
- Khung tập đi 4 bánh (khung tập đi 4 chân): Loại khung này thích hợp với những người không cần dựa vào khung để giữ thăng bằng.
- Khung tập đi có chỗ đặt đầu gối: Loại khung tập đi này khá giống với xe trượt Scooter, tuy nhiên, chúng lại có chỗ để người dùng gác đầu gối lên.
Ngoài ra, trên thị trường còn có thêm loại khung tập đi có ghế ngồi, thiết kế của loại khung này giúp cho người bệnh có thể nghỉ ngơi trong quá trình luyện tập, tránh gây mệt mỏi.
Kinh nghiệm lựa chọn khung tập đi
a. Quan tâm tới phần tay cầm
Khi bạn chọn đúng tay cầm sẽ làm giảm đi những áp lực không cần thiết lên khớp, đồng thời ngăn ngừa biến dạng khớp. Chính vì thế, các bạn nên lưu ý đến phần tay cầm khi lựa chọn khung tập đi. Các bạn nên chọn loại khung có thiết kế tay cầm chắc chắn, được làm từ chất liệu an toàn, không gây trơn trượt để việc tập đi được an toàn hơn. Trên thực tế, đa phần tay cầm của các loại khung tập đi này được làm từ nhựa, chỉ có một số ít được bọc thêm bọt biển hoặc các chất liệu mềm hơn.
b. Quan tâm tới các chi tiết đi kèm
Một số phụ kiện hay chi tiết đi kèm có thể giúp ích cho quá trình tập đi của người bệnh. Chính vì vậy, khi mua dụng cụ tập đi này, các bạn có thể tham khảo một số tiện ích dưới đây để có được lựa chọn phù hợp nhất:
- Có túi đựng đồ: Bạn có thể chọn loại khung có thiết kế túi 2 bên thành khung để mang theo một số vật dụng cá nhân khi luyện tập.
- Có phanh tay: Một vài mẫu khung tập đi có bánh xe được trang bị thêm phanh tay, điều này giúp cho người dùng có thể yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.
- Có khả năng gấp gọn: Khung tập đi gấp gọn được sẽ giúp cho bạn dễ dàng cất giữ hay mang theo chúng khi cần.
Hướng dẫn sử dụng khung tập đi
Khi đã lựa chọn được loại khung tập đi phù hợp, các bạn cần học cách để sử dụng chúng sao cho hiệu quả và an toàn nhất. Một số bước dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện điều đó:
a. Điều chỉnh khung:
- Đầu tiên, bạn cần điều chỉnh phần khung để có thể đặt 2 cánh tay một cách thoải mái nhất. Điều này có tác dụng giúp giảm áp lực cho phần vai và lưng khi bạn sử dụng khung. Để biết được khung đã có chiều cao phù hợp chưa, bạn có thể kiểm tra khuỷu tay và chiều cao cổ tay. Bạn thả lỏng vai rồi đặt tay lên tay cầm của khung sao cho khuỷu tay cong và tạo một góc 15 độ là được.
- Tiếp theo, bạn đứng vào bên trong khung tập đi rồi đặt tay vào 2 bên tay cầm sao cho thoải mái nhất và phần bên trên của tay cầm nên thẳng hàng với phần bên trong cổ tay là được.
b. Di chuyển với khung:
- Khi di chuyển, nếu bạn cần dùng khung để nâng đỡ bớt trọng lượng cơ thể thì bạn có thể đẩy khung đi trước mình một bước. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý giữ lưng thẳng khi đi chứ không được cúi người về phía trước.
- Sau khi đẩy khung về trước, bạn đặt một chân vào giữa khung tập đi. Bạn lưu ý, nên giữ khung đứng yên khi bước vào và không bước quá gần thanh phía trước của khung.
- Bạn cầm chắc vào tay vịn rồi bước tiếp chân còn lại về phía trước, sau đó bạn lặp lại các bước như trên.
Những lưu ý khi sử dụng khung tập đi
- Khi sử dụng khung tập đi, bạn nhớ đứng thẳng để phần lưng không bị ảnh hưởng.
- Không nên đẩy khung về phía trước quá nhiều khi di chuyển hoặc điều chỉnh tay cầm quá cao.
- Bạn nên đeo giày thấp, đồng thời có độ bám tốt để an toàn khi di chuyển.
- Nên di chuyển với các bước nhỏ, tránh nôn nóng, vội vàng.
- Nên quan sát đường di chuyển để tránh các vật cản.
2. Gậy tập đi
Khi bạn gặp các vấn đề nhỏ nào đó dẫn tới mất thăng bằng cho cơ thể, đi đứng không được thuận tiện, có một tổn thương nhỏ ở chân hoặc với người già yếu... thì sử dụng một chiếc gậy tập đi là giải pháp vô cùng hữu ích.
Phân loại gậy tập đi
Gậy tập đi được chia thành các loại như sau:
- Gậy tập đi 3 chân là loại gậy cũng được uốn cong phần phía dưới và bao gồm 3 chân.
- Gậy tập đi 4 chân là loại gậy được uốn cong phía dưới và bao gồm 4 chân. Loại gậy này rất chắc chắn, tuy nhiên chúng lại khá cồng kềnh.
- Gậy tập đi 1 chân hay còn gọi là gậy truyền thống, có cấu tạo đơn giản, không uốn cong phần chân.
Kinh nghiệm chọn mua gậy tập đi
- Quan tâm tới kiểu dáng: Nếu bạn không gặp phải vấn đề quá nghiêm trọng về sức khỏe hay đôi chân thì bạn nên chọn lựa mẫu gậy truyền thống để di chuyển được thuận tiện nhất. Còn nếu bạn cần mẫu gậy vững chắc hơn, bạn có thể lựa các mẫu gậy 3 chân hay 4 chân, tuy nhiên, những mẫu gậy này sẽ khá cồng kềnh đấy nhé.
- Quan tâm tới độ dài của gậy: Độ dài của gậy cũng là một yếu tố quan trọng khi bạn có ý định mua chúng. Bạn nên chọn chiếc gậy có chiều dài phù hợp với cơ thể để giúp quá trình di chuyển được thuận tiện nhất. Ở tư thế đứng thẳng, đầu trên của gậy nên ngang bằng với nếp gấp cổ tay.
- Quan tâm tới chất liệu gậy: Các bạn nên lựa chọn gậy tập đi được làm từ chất liệu chắc chắn, có độ bền cao để có thể sử dụng lâu dài.
Cách sử dụng gậy tập đi
- Tay cầm gậy là tay đối diện với bên chân cần hỗ trợ. Khi bạn cầm vào đầu trên của gậy, khuỷu tay bạn nên gấp nhẹ.
- Khi bạn bước, bên chân bị đau và gậy sẽ cùng di chuyển và cùng tiếp đất.
- Khi bạn bước lên cầu thang, bạn nên vịn 1 tay vào thành cầu thang, tay kia cầm gậy, chân không đau bước trước và chân đau bước sau. Khi xuống cầu thang, đầu tiên bạn di chuyển gậy, tiếp đó là chân đau và cuối cùng là chân không đau.
3. Nạng
Khi bạn có một số tổn thương ở chân, đang trong quá trình chờ phục hồi và chưa được phép tỳ chân khi di chuyển thì bạn cần sự hỗ trợ của nạng.
Phân loại nạng
Có 2 loại nạng chính đó là nạng nách và nạng khuỷu.
Kinh nghiệm chọn nạng
- Chọn nạng được làm từ chất liệu bền, chắc chắn.
- Nên chọn loại nạng có chiều cao phù hợp hoặc có thể điều chỉnh được chiều cao.
- Cách đo chiều cao của nạng như sau: Khi bạn đứng thẳng, điểm cao nhất của nạng cách hõm nách 2 - 3 cm, khoảng cách từ điểm cao nhất đến tay cầm sẽ bằng khoảng cách từ dưới nách đến cổ tay.
Cách sử dụng nạng
- Bạn giữ chặt đầu nạng vào thân mình và chỉ dùng tay đỡ trọng lượng cơ thể chứ không dùng nách.
- Khi chuẩn bị bước đi, bạn nghiêng người về phía trước một chút, sau đó bạn đặt nạng lên phía trước chân của bạn.
- Bắt đầu bước bằng nạng giống như bạn đang đi bằng chân đau, tuy nhiên, thay vì dồn trọng lượng lên chân đau, bạn sẽ dồn trọng lượng lên nạng.
- Kết thúc bước đi bình thường bằng chân lành.
- Khi chân lành tiếp đất, bạn di chuyển nạng về phía trước để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.
Nên mua dụng cụ tập đi ở đâu?
META.vn là địa chỉ chuyên cung cấp các dụng cụ tập đi như gậy tập đi, khung tập đi... với nhiều mẫu mã cùng mức giá khác nhau. Nếu bạn đang cần sự hỗ trợ của các dụng cụ tập đi này, các bạn có thể truy cập website META.vn để được tư vấn và hỗ trợ. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với META theo địa chỉ dưới đây:
- Tại Hà Nội: Số 56 Duy Tân - Phường Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy. Hotline: 024.35.68.69.69
- Tại TPHCM: Số 716-718 Điện Biên Phủ - Phường 10 - Quận 10. Hotline: 028.3833.6666